Phương pháp trồng đậu rồng tại vườn nhà vừa sạch vừa ngon
Đậu rồng, còn được biết đến là đỗ khế hoặc đậu khế, là một loại quả ngon khi ăn sống hoặc chín. Mùa trồng đậu rồng sắp tới rồi. Hãy cùng nhau học cách trồng đậu rồng tại vườn nhà vừa ngon vừa sạch nhé!
Đậu rồng rất dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc. Vì loại rau này ít bệnh nên người trồng không cần phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Hãy yên tâm về chất lượng và độ an toàn của đậu rồng. Mùa Xuân từ tháng 2 trở đi và mùa Thu từ tháng 8 là thời gian thích hợp để gieo trồng đậu rồng. Sau hơn 3 tháng trồng là có thể thu hoạch quả. Nhiệt độ lý tưởng dao động từ 18-30 độ C. Trồng đậu rồng cũng có thể làm giàn leo, vừa lấy bóng mát vừa có quả để thu hoạch.
1. Lựa chọn hạt giống để gieo trồng đậu rồng
Có thể trồng đậu rồng từ hạt hoặc giâm cành, nhưng nếu bạn mới thử lần đầu thì nên chọn hạt từ những quả đã già hoặc mua hạt giống và gieo cho nảy mầm. Để giàn đậu rồng đạt năng suất, bạn cần chọn những hạt giống tốt nhất. Quả đậu rồng khi già thường có màu tím và chuyển sang đen. Sau khi phơi khô hoàn toàn, tách ra sẽ thấy hạt đậu rồng bên trong.
Chọn những hạt sáng bóng, nâu và to tròn để gieo sẽ có tỉ lệ nảy mầm cao. Chuẩn bị gieo hạt với đất mùn giàu dinh dưỡng, đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha, có khả năng thoát nước và thông thoáng tốt. Sau đó, chuẩn bị đất và cho vào những chậu nhỏ có đường kính từ 20-25cm.
2. Cách gieo trồng và chăm sóc đậu rồng
Ngâm hạt giống trong nước ấm trước khi gieo để hạt ngấm đầy nước. Tiếp theo, ủ hạt trong khăn ẩm khoảng nửa ngày cho hạt bắt đầu nứt ra trước khi gieo. Gieo từ 5 đến 6 hạt vào chậu, mỗi hạt sâu khoảng 1cm. Sau đó, lấp đất lại và tưới nước để giữ ẩm cho chậu. Trong vòng khoảng 4-5 ngày, hạt sẽ nảy mầm.
Khi cây con đạt 7-10 ngày tuổi, chiều cao từ 5 đến 10cm. Chọn 1-2 cây khỏe mạnh để giữ lại trong chậu, loại bỏ các cây yếu kém để tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Khi cây cao khoảng 20 đến 25cm, cần bắc giàn và chuyển cây ra vườn để đậu rồng leo lên giàn hoặc tường nhà.
Trước khi trồng đậu rồng ra đất, bón lót một chút phân chuồng mục vào đất. Sau khi trồng, nhớ tưới nước để cây mau bén rễ. Nên tưới nước hai lần mỗi ngày, buổi sáng và chiều. Chỉ trong vài ngày, cây sẽ xanh tốt trở lại và bắt đầu xuất hiện tua cuốn leo giàn.
Sau khoảng 1 tuần khi cây bám giàn, đậu rồng sẽ leo ngang chừng nửa giàn. Nên bón thêm phân vào lúc này. Bạn có thể dùng phân chuồng đã ủ hoặc phân trùn quế hòa vào nước tưới cả gốc và lá.
Sản phẩm phân trùn quế
Mỗi 15 ngày bón phân một lần cho đến khi cây ra hoa đậu quả thì dừng. Sau 50 ngày, giàn của bạn sẽ phủ kín bởi cành lá của đậu rồng. Khi lá bắt đầu nhiều và rậm rạp, hãy tỉa bớt cành để tạo điều kiện cho cây đơm hoa kết trái.
3. Hoa và đậu quả
Từ nách lá cây đậu rồng sẽ mọc ra hoa, từng chùm hoa có màu trắng hoặc xanh trông rất đẹp mắt. Hoa đậu rồng thường nở vào khoảng 9 giờ sáng, việc thụ phấn diễn ra nhờ gió và các loài ong bướm. Sau 1-2 ngày, khi hoa bắt đầu héo, quả non sẽ từ từ nhú ra.
Quả đậu rồng non sẽ phát triển và đạt kích thước từ 10 đến 15cm, màu sắc của quả cũng trở nên đậm hơn. Chỉ sau khoảng 1 tuần từ khi quả xuất hiện, bạn đã có thể thu hoạch đậu rồng. Kích thước lý tưởng để thu hoạch là từ 15-20cm.
4. Thành quả
Như vậy, bạn sẽ sở hữu một giàn rau sạch – đậu rồng với trái sum suê cung cấp rau sạch cho gia đình. Mỗi vụ đậu rồng sẽ cho trái trong vòng khoảng 2 tháng. Khi trồng hai vụ đậu rồng mỗi năm, bạn sẽ có tới 4 tháng để thưởng thức rau quả sạch và ngon do chính tay mình trồng. Đậu rồng có thể ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món khác nhau. Khi ăn sống, đậu rồng giòn và hơi hăng một chút, nhưng khi đã quen, bạn sẽ thấy nó ngọt và bùi. Đậu rồng nấu chín sẽ mềm, thơm và có vị khá lạ đối với người Bắc.
Đậu rồng xào mề chim ngon miệng
Gỏi đậu rồng
Theo lamsao.com